Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Lật lại hồ sơ vụ án tranh chấp tài sản sau ly hôn ở Quảng Bình

Bài 1: Kháng nghị xét xử sơ thẩm lại từ đầu, vì sao?

Chỉ là vụ án chia tài sản sau ly hôn giữa ông Phan Văn Lân và bà Phan Thị Cúc nhưng vụ việc trở nên phức tạp kéo dài tới nay hơn 7 năm, trải qua 4 phiên sơ thẩm, 2 phiên phúc thẩm, 1 phiên giám đốc thẩm mà vẫn chưa giải quyết dứt điểm, làm thiệt thòi cho quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của đương sự, gây bức xúc dư luận mà nguyên nhân cơ bản là việc tiến hành xét xử có nhiều điểm không khách quan.

Vì sao vụ án kéo dài?

Đây có lẽ là một trong những vụ án ly hôn tranh chấp tài sản kéo dài nhất tỉnh Quảng Bình vì đã 7 năm trôi qua mà các cơ quan thi hành pháp luật của Quảng Bình chưa giải quyết dứt điểm. Nguyên đơn là bà Phan Thị Cúc, sinh năm 1972, hộ khẩu thường trú: số 191 đường Lý Thường Kiệt, tổ dân phố số 10, phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; tạm trú tại số 175 đường Lý Thường Kiệt, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Bị đơn là anh Phan Văn Lân, sinh năm 1963, hộ khẩu thường trú: số 191 đường Lý Thường Kiệt, tổ dân phố số 10, phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; tạm trú tại số 29 đường Trương Pháp, phường Hải Thành, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy Bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Bình và Bản án sơ thẩm của TAND thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: ông Phan Đức Cường, sinh năm 1956; trú tại tiểu khu 1, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Và ông Lưu Bá Vương, sinh năm 1975; trú tại tiểu khu 12, thị trấn Hoãn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Ông Phan Văn Lân và bà Phan Thị Cúc đăng ký kết hôn ngày 14/5/1992 tại UBND xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, ông Lân và bà Cúc có 2 con chung là Phan Việt Hùng (1993) và Phan Thị Linh Trang (1995). Do mâu thuẫn vợ chồng ngày càng trầm trọng, tình cảm không còn, nên năm 2010, cả hai đều đồng thuận ly hôn.

Tài sản tranh chấp trong vụ án gồm: Ngôi nhà số 191 phố Lý Thường Kiệt, TP. Đồng Hới, Quảng Bình; 4 lô đất ở xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình; phần góp vốn 500 triệu đồng tiền mặt tại Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phú Cường và lô đất số 8 tại phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới, Quảng Bình.

Dư luận băn khoăn vì sao vụ án lại kéo dài như vậy? Một trong những nguyên nhân là các bên đang cố gắng chứng minh nguồn gốc tài sản thuộc về mình. Tuy vậy, tất cả các tài sản nêu trên đều được hình thành trong thời điểm giữa ông Phan Văn Lân và bà Phan Thị Cúc đã là vợ chồng. Sau khi sự việc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” xảy ra thì việc tranh chấp tài sản chung nói trên ai cũng dành tài sản là do công lao tự mình làm ra và ra sức chứng minh tính hợp pháp của các tài sản này.

Các bên tiếp tục chờ triệu tập của tòa để xét xử sơ thẩm lại từ đầu

Theo tìm hiểu của phóng viên, vụ việc trên đã qua nhiều lần xét xử và hòa giải không thành, khiếu kiện đến các cấp và cơ quan cấp cao kéo dài hơn 7 năm. Vì vậy, mới đây nhất theo Quyết định giám đốc thẩm số 01/2015/DS-GĐT, ngày 3/12/2015 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng với Hội đồng Giám đốc thẩm gồm có 8 thành viên tham gia xét xử, do ông Nguyễn Anh Tiến, Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng làm chủ tọa phiên tòa đã ra Quyết định: Hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 03/2014/DS-PT ngày 17/1/2014 của TAND tỉnh Quảng Bình và Bản án sơ thẩm số 11/2013/DS-ST ngày 24/9/2013 của TAND thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; Giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay các đương sự vẫn đang chờ thông báo triệu tập của tòa án để xét xử sở thẩm lại từ đầu.

Vì sao lại để kéo dài mà chưa giải quyết dứt điểm? Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Xuân Thủy, Chánh án TAND TP. Đồng Hới, ông Thủy cho biết: Nguyên nhân không phải do các cơ quan tố tụng mà là do các đương sự chưa thống nhất được văn bản chứng lý tại tòa. Chưa thống nhất các quyết định phân chia tài sản giữa các bên. Bên cạnh đó, việc xác định lại các tài liệu chứng cứ có liên quan đến việc tranh chấp tài sản còn gặp nhiều khó khăn. Về vấn đề ly hôn thì Tòa án cấp cao không hủy phần ly hôn và chỉ quyết định hủy không công nhận phần tài sản thôi. Như vậy án sơ thẩm cũng đã có hiệu lực một phần, ông Thủy nói.

Để tìm hiểu rõ toàn bộ sự việc, chúng tôi đã liên hệ và làm việc với các cơ quan liên quan tại Quảng Bình, nghe ý kiến của đương sự và luật sư để làm rõ vấn đề phức tạp bên trong của vụ án này là gì? Có hay không việc tẩu tán tài sản và giả mạo giấy tờ trong quá trình xét xử vụ án? Việc cưỡng chế thi hành án có dấu hiệu trái luật và một số vấn đề phức tạp khác của vụ án..., làm thiệt thòi cho quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của đương sự?

Mời xem tiếp Bài 2 trên số báo 189 ra ngày 25/11/2016

Trần Lâm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét