Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Cảnh giác với chiêu “móc túi” cước viễn thông

Khi hàng nghìn phụ huynh ở một trường tiểu học tại Hà Nội còn chưa hết bức xúc vì phải đọc những tin nhắn “đe nẹt”, dọa dẫm từ… sổ liên lạc điện tử do một kẻ quậy phá gây ra, thì không ít người dân lại khổ sở vì bị “móc túi từ xa” do trót bấm nút gọi lại những đầu số lạ trong danh sách cuộc gọi nhỡ. Đây là những biểu hiện tinh vi của những tên quấy rối, trộm công nghệ cao đã đến mức “thượng thừa”, đòi hỏi sự cảnh giác cao độ của người sử dụng điện thoại, cũng như sự quản lý gắt gao hơn nữa của cơ quan an ninh mạng...

Bấm nút là mất tiền

Nhiều bạn đọc phản ánh, trong thời gian gần đây họ liên tục gặp phải các cuộc gọi nhỡ từ các đầu số lạ của nước ngoài, sau đó họ gọi lại thì dù chỉ có tiếng tổng đài nước ngoài, và kể cả làm theo hay dập máy, họ cũng bị mất số tiền không nhỏ trong tài khoản.

Người sử dụng ĐTDĐ cần cảnh giác với những cuộc gọi bất thường, có đầu số nước ngoài.

Các đầu số lạ thực hiện các cuộc gọi lừa đảo đã bắt đầu xuất hiện thường xuyên với tần suất khá dày. Người dùng các nhà mạng tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM là đối tượng thường xuyên bị làm phiền, có chủ thuê bao bị các đối tượng gọi điện làm phiền đến vài cuộc trong một khoảng thời gian ngắn.

Thủ đoạn của các đối tượng này khá tinh vi, chúng thường sử dụng các đầu số nước ngoài khá lạ như mã vùng +252 (Somali), +247 (đảo Ascension), +371 (Latvia), +224 (Guy nê) để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo đến người dùng di động. Các số lạ có nguồn gốc từ Somali như +25299115597, +252 99115857 thời gian gần đây hoạt động khá nhiều. Đáng chú ý các cuộc gọi thường rơi vào quãng đêm muộn, khiến người sử dụng không biết và sau đó nghĩ rằng người quen từ nước ngoài có việc quan trọng gọi về nên vội vã bấm máy gọi lại và mắc bẫy.

Trả lời về vấn đề này, đại diện nhà mạng Mobifone cho biết, có rất nhiều thắc mắc tương tự được gửi về trong vài ngày trở lại đây. Hiện nhà mạng đã cảnh báo về các cuộc gọi như vậy, với nghi ngờ có gian lận cước quốc tế. Người dùng không nên nhấc máy với các đầu số lạ, đặc biệt không gọi lại, nếu gọi sẽ bị tính tiền cước. Cụ thể, với đầu số +252, người dùng sẽ bị trừ 13.860 đồng/phút tiền cước phí.

Tái xuất tinh vi

Được biết các đầu số lạ thực hiện các cuộc gọi lừa đảo đã từng xảy ra ở khá nhiều nước trên thế giới và đây là một vấn nạn lớn của ngành viễn thông.Các nhà mạng tại Việt Nam như Vinaphone, Mobifone và Viettel đã có công văn gửi đến Trung tâm Viễn thông quốc tế yêu cầu chặn các số điện thoại nói trên, tuy nhiên vì các đối tượng lừa đảo hoạt động khá tinh vi, thay đổi số điện thoại liên tục nên rất khó để ngăn chặn triệt để.

Thực ra đây không phải là chiêu thức mới lạ, nhưng đã có một số biến đổi tinh vi hơn. Cách đây vài năm, đã có những hacker sử dụng các đầu số vệ tinh +881, +882... để tạo cuộc gọi nhỡ. Khi ấy rất nhiều người dùng gọi lại tới các đầu số này đều mất tiền cước hơn 100.000 đồng mỗi phút, dù không có kết nối trả lời.

Các nhà mạng cho biết, hai đầu số trên thuộc hệ thống vệ tinh di động toàn cầu (Global Mobile Satellite System - GMSS), không phải là một số thuê bao thông thường, cũng không thuộc sự quản lý của quốc gia nào nên việc truy hoàn cước cho khách hàng không thể thực hiện. Hiện tượng lừa đảo trên không chỉ xảy ra đối với Việt Nam mà cả người sử dụng từ nhà mạng quốc tế lớn như SingTel (Singapore), AT&T và Vodafone (Mỹ),...

Đầu dây bên kia thường không có người trả lời, hoặc là tổng đài tự động bằng tiếng Anh. Chỉ đến khi kiểm tra lại tài khoản hoặc thanh toán cước phí, chủ thuê bao mới tá hỏa nhận ra đã mất tới tiền trăm vì những cuộc gọi lại chỉ vài giây đồng hồ ấy.

Những hành vi nguy hiểm hơn

Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc An ninh mạng của Bkav nhận định: “Việc có thể giả mạo số điện thoại để gửi tin nhắn sẽ dẫn đến nguy cơ xuất hiện nạn lừa đảo hay tống tiền bằng tin nhắn. Đối tượng sẽ không chỉ giả mạo số điện thoại của người thân, vợ hoặc chồng con, bạn bè mà còn có thể ngụy trang bằng số dịch vụ ngân hàng hay nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để lừa người sử dụng”.

Những nhận định của ông Đức là có cơ sở, bởi cách đây khoảng 1 tháng, ngày 25/9/2016, 1.700 phụ huynh Trường THCS Ba Đình (Hà Nội) đã sốc khi bỗng nhận được tin nhắn từ đầu số sổ liên lạc điện tử nhà trường rằng: “Con ông bà học ngu như bò. Tôi không hiểu ông bà có biết dạy con không nữa?". Ngay sau đó nhà trường đã phải ra thông báo hệ thống sổ liên lạc điện tử của trường bị hack và nhờ cơ quan điều tra làm rõ. Kẻ gây rối là một thanh niên 9x chỉ với mục đích làm mất uy tín công ty cung cấp mạng vì mâu thuẫn nhỏ với giám đốc.

Câu chuyện cho thấy, chỉ với những thao tác nhỏ, nhưng một kẻ quậy phá hoặc hành động với ý đồ đen tối rất có thể gây ra những hệ lụy vô cùng to lớn, nếu như có thể thông qua mạng viễn thông để mạo danh cơ quan, tổ chức chính thức nào đó.

Bởi vậy, ngoài việc người sử dụng điện thoại cần cẩn trọng, đặt ra những nghi vấn khi có biểu hiện bất thường với điện thoại, thì các cơ quan an ninh mạng viễn thông cũng cần bám sát các diễn biến, chặn đứng những ý đồ tội phạm từ manh nha, bằng cách hạn chế tối đa những lỗ hổng mạng viễn thông.

Bình An

0 nhận xét:

Đăng nhận xét